chung, phim

Tình yêu nữ tính hay một tình yêu của nhục dục và bản năng?

(Hay là một góc nhìn về tình yêu đồng giới nữ trong phim ảnh và đại chúng. )

Điều này cũng là một trong những băn khoăn từ lâu của tôi, về cách công chúng tiếp cận với những bộ phim với người đồng tính nữ làm nhân vật trung tâm (hoặc các vai phụ). Bài viết ở đây nhằm giới thiệu sơ lược về cách mà người đồng tính nữ nói riêng và người đồng tính được (và bị) khắc họa qua truyền thông đại chúng – hay nhỏ hơn, phim ảnh.

Từ trước đến nay, những nhân vật trong phim đồng tính nữ, hay có liên quan đến chủ đề đã luôn bị xây dựng một cách sai lệch với các yếu tố trên, và đáng buồn rằng, nó vẫn bị coi nhẹ và biến đổi thành những chi tiết khó thấy trong phim ảnh hiện đại. Và dưới con mắt của số đông cũng như những khán giả là người đồng tính nữ, những yếu tố tiêu cực ấy vẫn ngầm được chấp nhận, bị phớt lờ hay thậm chí bỏ quên dưới cái mác “nghệ thuật” và “lãng mạn”.

Trước hết thì ta hãy có một góc nhìn cụ thể về những yếu tố tiêu cực thường thấy trong những bộ phim với chủ đề trên:

1. “Nhãn quan từ nam giới” (Male gazing).

Liệu bạn có nhận ra rằng đa phần những bộ phim đồng tính nữ được phụ trách bởi các đạo diễn nam (và thẳng) đa số thường thiếu đi thiên tính của phụ nữ, từ sự nữ tính cho đến đặc trưng của nữ giới? Tồi tệ hơn, là bộ phim có thể biến thành một sản phẩm giải trí dành cho người xem là nam giới, như một cách thức thị dâm thông qua những phân đoạn miêu tả quan hệ thể xác giữa hai người phụ nữ (nếu may mắn nó là mối quan hệ monogamy…) hay những phần lia máy quay vào ngực và mông nhân vật thừa thãi? Đó chính mà male gazing, thứ khiến những nhân vật nữ đồng tính mất đi đặc điểm cá nhân thuộc về giới tính, mà lại bị đối tượng hóa tình dục theo một cách khác.

Chắc hẳn sẽ có bạn tự hỏi, liệu việc nam giới thưởng thức những bộ phim như vậy có tồn tại? Thì tôi xin trả lời là có, và những điều đó vẫn luôn là cách kiếm lợi nhuận với thị hiếu của một số bộ phận khán giả là nam giới hoặc nữ giới (phần lớn là thẳng), tương tự với văn hóa fujoshi – hủ nữ vậy.

“[…] The male gaze is distinctly felt in films focusing on lesbian narratives. In short, performative female sexuality sells, and, so, it follows, that lesbian performative sexuality must, too, sell, given it is, essentially, twice as arousing as the former. This being the case, directors frequently attempt to exploit a willing heterosexual male audience. In gay cinema, for example, the sexual element of a female relationship is often accentuated, whilst the other, equally as compelling, aspects of said relationship are downplayed.”

Trích luận văn ” Visual Pleasure and Narrative Cinema” của nhà phê bình điện ảnh Laura Mulvey.

2. Fetish và sự ám ảnh.

Không chỉ là fetish của nam giới, mà những nhân vật nữ đồng tính trong điện ảnh còn bị tiêu cực hóa bằng việc bị xây dựng quan niệm tình yêu của nhân vật như một nỗi ám ảnh (obsession). Sự ám ảnh nơi nhân vật nữ có thể đến từ thiếu thốn vê mặt tình dục, tình cảm… hoặc bị ngầm định như “một tính cách bắt buộc phải có trong suy nghĩ của nữ giới“.

Kết quả hình ảnh cho damned women rodin
Damned Women (1885 – 1890) bởi nhà điêu khắc Auguste Rodin.

3. Sự thị dâm được nhằm vào những cảnh quan hệ thể xác.

Chính cái nhìn không đúng đắn này mà những bộ phim với chủ đề trên thường bị đánh giá và gọi là phim khiêu dâm (erotica/soft-core pornography).

Một đặc trưng của việc thỏa mãn thị dâm là cách các nhà làm phim đưa vào trong phim ảnh quan niệm về tình dục một cách cường điệu hóa chỉ làm giảm sự độc đáo và chiều sâu của nhân vật. Làm phá hỏng mạch cảm xúc được xây dựng xuyên suốt bộ phim và dễ khiến nó trở thành một câu chuyện “porn with plot“, như cách mà bộ phim Room In Rome (2010) mắc phải khi chỉ chú tâm vào phân cảnh làm tình “nóng bỏng” và “cuồng nhiệt” giữa hai nhân vật như một dạng fanservice và thỏa mãn sự thị dâm, mà thiếu đi sự duyên dáng trong cách xây dựng tính cách cũng như mối liên hệ về mặt tình cảm của hai nhân vật nữ.

Kết quả hình ảnh cho room in rome
Room In Rome (2010), bởi đạo diễn Julio Mendern.

Cũng như bộ phim đoạt giải Cành Cọ Vàng của điện ảnh Pháp vào năm 2013 – La Vie d’Adèle (2013) , dù đạt được vô số lời khen nhưng đồng thời cũng không tránh khỏi nhiều tranh cãi. Từ cảm nhận của hai nữ diễn viên chính trong phim là Adèle Exarchopoulos và Léa Seydoux về việc bản thân họ cảm thấy “không thoải mái với phân cảnh làm tình”, cho đến những lời bình về “cảnh nóng” trong phim từ Julie Maroh, tác giả của Le bleu est une couleur chaude (Blue is the Warmest color/Blue Angel) như sau:

“This was what was missing on the set: lesbians… all straight, unless proven otherwise… a brutal and surgical display, exuberant and cold, of so-called lesbian sex, which turned into porn.”

Julie Maroh – tác giả truyện gốc Le bleu est une couleur chaude (Blue is the Warmest color/Blue Angel).
Hình ảnh có liên quan
La Vie d’Adèle (2013) bởi đạo diễn Abdellatif Kechiche.
Cá nhân tôi không ưng phim lắm.

4 & 5. Cốt truyện đi theo xu hướng và mối quan hệ không lành mạnh của nhân vật – Sự khắc họa sai lệch về tính dục và tình yêu.

Ngoài ra, do việc khắc họa sai lệch về tính dục và tình yêu , mới sinh ra định kiến với dòng phim trên, khi phần đông vẫn cho rằng tình yêu đồng giới nữ xuất phát từ sự thỏa mãn về mặt tình dục, một ham muốn tức thời, thậm chí chỉ là “một lần bộc phát cảm xúc” của nữ giới – những người vẫn thường bị cho rằng “thiếu lý trí và thiên về quan hệ tình cảm“. Đó không phải là tình yêu thật sự, mà chỉ là cách hai nhân vật nữ đáp ứng nhu cầu tình dục của đôi bên. Và đáng buồn thay, đây cũng là yếu tố dễ bị khắc họa một cách mập mờ, không cụ thể trong phim ảnh và đại chúng.

6. Ranh giới mập mờ giữa tình dục, nhục cảm và tình yêu đồng giới của phụ nữ.

Đi kèm đó là sự nhập nhằng giữa tình yêu và tình dục của phụ nữ có thể nói, là lý do chính khiến các mối quan hệ đồng tính nữ trong điện ảnh trở nên thiếu chiều sâu và sự thuyết phục. Liệu ta có thể coi đó là một tình yêu khi ý niệm của nó bị làm nhập nhằng với nhục cảm tình dục? Một mối quan hệ yêu đương song phương khi chưa được làm rõ thì khán giả lại phải trải qua phân cảnh quan hệ tình dục của hai nhân vật nữ như một đòn bẩy vào tâm lý “hình như là yêu rồi“. Tôi không tách bạch hai yếu tố với nhau, nhưng việc một số bộ phim vẫn sử dụng tình dục làm xúc tác cho mối quan hệ trong phim, thì với tôi, đó là sự nghèo nàn về mặt tư duy và cảm xúc nhất định.

“Despite the female filmmakers at the helm, the film treads into exploitative territory, with the ratio of screen time given to writhing female bodies far outweighing that given to their unique experiences as gay or closeted women in the world.”

Katie Walsh của tờ Los Angeles Times.

So sánh với hai đại diện của phim đồng tính nam là “Moonlight” (2016) bởi đạo diễn Barry Jenkins và “Love, Simon” (2018) thì ta có thể thấy rằng, việc khắc họa một mối tình mà không cần nhấn mạnh về đời sống tình dục của nhân vật là hoàn toàn khả thi.

7. Bi kịch hóa nhân vật hoặc biến họ thành nhân vật mang yếu tố tiêu cực.

Và như ta đã biết, thì việc bi kịch hóa (có ý ngầm phủ nhận những mối quan hệ lành mạnh và tích cực) mối quan hệ đồng giới vẫn xảy ra ở phim đồng tính nam và nữ với mác “lãng mạn” và “u buồn“, đi kèm với cách văn hóa đại chúng đưa những nhân vật đồng tính nam và nữ với mục đích gây hài (nam và có phần nữ tính, còn nữ thì ngược lại) trong một khoảng thời gian dài từ truyền hình, cho tới màn ảnh lớn khiến cái nhìn của công chúng về họ có phần thiếu thiện cảm.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là: Điều gì đã khiến những yếu tố sai lệch trên được chấp nhận và nghiễm nhiên đi kèm những bộ phim về người đồng tính nữ?

Để trả lời câu hỏi này, ta cần nhìn lại lịch sử của điện ảnh và sự xuất hiện của những mối tình đồng tính nữ trong phim.

Từ giai đoạn đầu.

Bắt đầu từ nụ hôn giữa nàng nữ sinh Manuela von Meinhardis và nữ giáo viên Fräulein von Bernburg trong bộ phim Đức Mädchen in Uniform (1931) – cũng là bộ phim về đồng tính nữ đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh bạc, cho đến những bộ phim thời kỳ sau (thời kỳ Hoàng Kim của điện ảnh) với những chi tiết ẩn về mối quan hệ đồng giới như bộ phim chuyển thể có sự góp mặt của nữ minh tinh Audrey Hepburn là Children’s Hour (1961) dựa trên vở kịch Broadway cùng tên vào năm 1934.

Kết quả hình ảnh cho Mädchen in Uniform

Dorothea Wieck và Hertha Thiele trong phim
Mädchen in Uniform (1931), bởi biên kịch
Christa Winsloe và đạo diễn
Leontine Sagan.

Mặc dù là sự mở đầu cho dòng phim trên nhưng Mädchen in Uniform cũng như The Children’s Hour đều mang yếu tố và định kiến xã hội của thời đại bấy giờ, đó chính là tâm lý coi những mối quan hệ đồng tính nữ như một “tội lỗi” (sin) và là “điều cấm kỵ” (taboo) cần phải che giấu.

Tôi không lấy làm chỉ trích điều này, mà cả hai bộ phim đều nói lên một khuôn mẫu nhất định ảnh hưởng tới những bộ phim sau đó, khi chúng coi tình yêu giữa những người phụ nữ luôn là một cảm xúc nhất thời, trải nghiệm mới, hay đến từ hoàn cảnh (Hai nhân vật trong ngôi trường nữ sinh, tu viện..v..v…). Nhưng tôi chỉ chắc một điều, là chân dung của tình yêu đồng tính nữ trong thời kỳ đầu của phim ảnh vẫn có phần… khá khẩm hơn giai đoạn thứ hai rất nhiều.

Kết quả hình ảnh cho children's hour
Audrey Hepburn và
Shirley MacLaine trong phim The Children’s Hour của đạo diễn
William Wyler

Với Queen Christina vào năm 1933 của “quý bà” Greta Garbo, và All About Eve (1950), thì mối quan hệ đồng tính nữ có phần mờ nhạt hơn trong lăng kính điện ảnh, nhưng không bị phủ nhận mà chỉ mang vai trò chủ đề và tiểu tiết ẩn ý trong những bộ phim trên.

Ngoài ra thì tôi không thể không nhắc tới nhân vật bà Danvers (Mrs. Danvers) trong bộ phim Rebecca (1940) của đạo diễn Alfred Hitchcock (tôi không lấy làm ưa đời tư và tính cách cũng như ủng hộ Hitchcock nhưng phim của ông ta vẫn phần nào có sự ảnh hưởng nhất định đến tôi), là ví dụ tiêu biểu cho việc xây dựng nhân vật đồng tính nữ không mấy tích cực, với tính cách có phần rối loạn, nguy hiểm và sự ám ảnh nhất định. Và với những nhân vật “trái đạo đức” như bà Danvers thì việc số phận nhân vật bị kết thúc cuối phim cũng là điều không đáng ngạc nhiên lắm. Vì đã bị coi là một “tội lỗi” thì các nhà làm phim cũng không ngại ngần xóa bỏ nó.

Mà hình như nhân vật đồng tính nữ thường hay bị “khai tử” trong phim có lẽ cũng là vì điều này?!

Rebecca Joan Fontaine and Judith Anderson
Rebecca (1940), bởi đạo diễn Alfred Hitchcock.

Cho đến những nỗ lực thay đổi trong xã hội hiện đại.

Tuy nhiên những nhà làm phim có tâm cũng tồn tại, đơn cử như Park Chan-wook và sự nỗ lực mang đến sự nữ tính qua những cảnh quay đẹp đẽ trong The Handmaiden (2016), và cách ông muốn tránh “nhãn quan nam giới” xảy ra để khắc họa tính nữ rõ nét (Dù tôi vẫn chưa hài lòng một số chi tiết, cụ thể là cảnh quan hệ tình dục, sẽ có trong bài viết tiếp theo). Thì ta có thể nói rằng, số phận của những bộ phim vẫn chưa tới mức không thể vãn hồi.

Kim Tae-ri và Kim Min-hee trong phim The Handmaiden (2016), đạo diễn Park Chan-wook.

Chỉ tới những năm 1990 thì cái nhìn của những nhà làm phim đối với mối quan hệ đồng tính nữ mới có phần thấu hiểu và cảm thông hơn, cũng nhưng đất sáng tạo cho những bộ phim ấy mới được mở rộng phần nào.

Kéo theo đó là cách mà xã hội cũng như tư duy của các nhà biên kịch đang cố gắng loại bỏ “tiếng xấu” cho phim, như bỏ đi “sự cấm kỵ”và cách khắc họa mối tình của nữ giới như “một điều sai trái” – thứ vốn gắn liền với dòng phim từ trước đến nay.

Hiển nhiên là họ sẽ chọn những kịch bản mang hơi hướm hiện thực và có xu hướng tách rời lối cường điệu hóa của những thời kỳ trước. Phim ảnh giờ đây đã mang vai trò giới thiệu và thể hiện quá trình tìm hiểu xu hướng tính dục cũng như chú trọng xây dựng nhân vật với chiều sâu và mang tính “người”, nhân văn và tươi sáng hơn nhằm giúp người xem có cái nhìn mới và đúng đắn về mối quan hệ đồng tính nữ trong điện ảnh.

Hình ảnh có liên quan

Mulholland Drive (2001) của đạo diễn David Lynch.
Không “tươi sáng” mấy nhưng tôi vẫn khá thích.

Đồng thời, những bộ phim về người đồng tính nữ cũng được xuất hiện nhiều hơn trong điện ảnh thế giới như Blue (2001) từ Nhật Bản, Fire vào năm 1996 của Ấn Độ…

Hình ảnh có liên quan
Blue (2001) bởi đạo diễn Hiroshi Ando.

Giờ đây người đồng tính nữ trong điện ảnh cũng không mấy xa lạ với công chúng, và đã đạt được những thành tựu nhất định. Tiêu biểu như phim chuyển thể từ cuốn The Price of Salt (1952) của Patricia Highsmith – Carol (2015) với đề cử giải Oscar.

Đó là chất lượng mà tôi, và như nhiều người đồng tính nữ khác – đang mong đợi.

Kết quả hình ảnh cho carol
Carol (2015) của đạo diễn Todd Haynes.

Tất cả những điều trên đều nhằm chứng minh tư duy sai lệch của làng điện ảnh trong cách tiếp cận mối quan hệ đồng tính nữ trên màn ảnh rộng.

Tuy nhiên vẫn có những luồng ý kiến riêng đến từ phía người xem với quan ngại nhất định:

“Lý do tôi ít xem phim kiểu này là vì các bạn chỉ toàn phức tạp hóa nó lên. Tại sao phải tách bạch ra bằng cụm từ “phim đồng tính”? Yêu là yêu thôi?”

– Trích lời của một người quen.

Và dĩ nhiên là tôi không đồng tình với ý kiến đó.

Thế tại sao lại cứ gắn mác “phim đồng tính nữ” vậy? Tại sao không thể coi nó là tình yêu bình thường? Liệu có phải nó đang tự tách mình khỏi cộng đồng?

Câu trả lời là không, việc gọi tên trong hiện tại không phải là một cái “mác” cho phim, mà đó chỉ là một cách nhận diện. Dĩ nhiên cũng có những người coi đó là cách label, “đặt nhãn mác“, nhưng bản thân tình yêu đồng tính nữ không có điểm gì khác biệt so với mọi tình yêu thông thường, họa chăng là do cách tiếp cận công chúng cũng như truyền thông sử dụng ngôn ngữ và có phần “tách rời” ra khỏi nhánh chính mà thôi.

Nếu như những mối quan hệ đồng tính cả nam lẫn nữ đều được thể hiện đúng đắn và nhận được cơ hội lên màn ảnh ngang bằng với số lượng phim tình cảm “không – phải – đồng – tính” áp đảo thì chúng ta có thể suy xét về điều đó. Bạn khó có thể đòi công bằng khi chưa có sự bình đẳng được. Nhất là khi đa số các nhà làm phim vẫn chưa thực sự khắc họa chính xác về những người đồng tính nữ và mối tình của họ.

Hơn nữa phim ảnh với những nhân vật đồng tính nữ vẫn đang tìm cho mình một lối đi riêng và những bộ phim chất lượng, cũng như nỗ lực gỡ bỏ định kiến và phát triển trong một khoảng thời gian ngắn (từ những năm 90) thì tôi tin rằng trong tương lai, chúng ta sẽ được đón xem những bộ phim về những nhân vật đồng tính nữ với sự chú trọng về mặt tình cảm, cảm xúc và sự gần gũi.

Và con đường dành cho sự khắc họa những nhân vật đồng tính nữ cũng sẽ phần nào rộng mở, sáng tạo hơn hiện tại. Cũng như sẽ xuất hiện thêm những nhà làm phim thật sự “có tâm” với phim chứ không chỉ là những người coi mối quan hệ giữa nữ giới như một nguồn giải trí khiêu dâm thông thường – như cách nó vẫn bị áp khuôn tiêu chuẩn.

Tôi ủng hộ việc cụm từ mang ý label “tình yêu đồng tính nữ” hay “phim đồng tính nữ” trong một số trường hợp và hoàn cảnh nên được rút ngắn thành “tình yêu”. Nhưng điều đó chỉ khả thi khi hình ảnh của những người đồng tính nữ không còn bị biến tướng và lệch lạc trên màn ảnh và cách khán giả nhìn nhận một cách tích cực đối với họ mà thôi.

Tiêu chuẩn
chung

chào.

xin chào.

Đây là blog cá nhân của I. Tất cả các bài viết sẽ được lưu trữ tại đây. Nếu bạn có thắc mắc, hay tranh luận thì đừng ngại để lại comment tại các bài viết.

cảm ơn nhiều.

 

Kết quả hình ảnh cho henri matisse codomas

Les Codomas (1943) by Henri Matisse.

 

Tiêu chuẩn